Uống nhiều nước hơn nếu bạn bị tiểu đường
Uống đủ nước chưa bao giờ là xấu cho sức khỏe của bạn. Nước như là dầu bôi trơn cho một cỗ máy, mà ở đây là cơ thể sinh học của chúng ta. Máy thiếu dầu sẽ bị giảm hiệu suất, hoạt động chậm chạp, phát ra những tiếng kêu cọt kẹt khó chịu hoặc thậm chí là hỏng. Cơ thể chúng ta cũng vậy, nếu lượng nước cần uống mỗi ngày không được đáp ứng, khả năng cao sẽ gây ra những tác hại tức thời hoặc lâu dài cho sức khỏe. Đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường, sự mất nước dù ít hay nhiều sẽ gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng so với người bình thường.
Tại sao bệnh nhân tiểu đường cần uống nhiều nước?
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không tiết đủ hormone insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng. Điều này dẫn đến mật độ đường trong máu tăng, về lâu dài sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Khi bị mất nước cấp độ nhẹ - mức độ mà bạn có thể không cảm nhận được - lượng đường trong máu của bạn có thể tăng thêm 50-100 mg/dL so với khi uống đủ nước. Thiếu nước thường xuyên cũng dẫn đến giảm lượng insulin sinh ra, khiến bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bạn cũng cần chú ý đến những trường hợp đặc biệt khiến bạn mất nhiều nước như: tiêu chảy, nôn mửa. Điều này sẽ làm lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mật độ glucose trở nên dày đặc trong máu khi thiếu nước
Người bệnh tiểu đường cần uống bao nhiêu nước là đủ?
Sẽ không có một con số cố định cho mọi người vì nhu cầu lượng nước của mỗi cá nhân là khác nhau. Dù vậy, bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày (tương đương 8 cốc nước). Hãy uống một cốc nước mỗi 2 tiếng và trải dài số lần uống cho cả ngày là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo cơ thể bạn có đủ nước. Bạn vẫn có thể dựa vào cảm giác khát nước ở vùng miệng, nhưng đôi khi nó không chính xác ở người bệnh tiểu đường.
Vào ngày nắng nóng, cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi hơn, bạn cũng cần phải uống nhiều nước hơn bình thường. Uống 2-3 cốc nước mỗi giờ khi đang tập thể dục hoặc đổ nhiều mồ hôi để bù lại lượng nước cần thiết. Hãy tính toán lượng nước uống mỗi ngày và chia đều nó với thể tích một bình nước bạn có thể mang theo để dễ dàng theo dõi.
Bạn hãy chia đều lượng nước vào chai để tiện theo dõi
Những loại nước uống để thay thế nước lọc
Uống nhiều nước có vẻ là bài toán khó với nhiều người vì họ không có thói quen uống nước lọc. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng vì ngoài nước tinh khiết ra, vẫn có nhiều lựa chọn khác để thay đổi khẩu vị và mang lại cho bạn động lực uống nước đầy đủ.
- Nước dừa
- Nước trái cây
- Trà xanh
- Nước chanh
Những loại nước này mang lại nhiều lợi ích hơn nước lọc thông thường không chỉ vì mùi vị dễ uống mà còn bởi những vitamin, khoáng chất chứa trong chúng.
Nước trái cây không những dễ uống mà còn đem lại nhiều dinh dưỡng
Khi nào bạn nên hạn chế uống nước?
Hạn chế ư? Chẳng phải khi nãy chúng ta đang bàn về việc uống nước không bao giờ là đủ?
Đúng vậy, uống nước sẽ không bao giờ đủ đối với một người bình thường, người bệnh tiểu đường và càng không đủ khi thời tiết trở nên nóng hơn hoặc khi cơ thể vận động nhiều hơn.
Nhưng có một số trường hợp dưới đây bạn sẽ muốn hạn chế nạp thêm nước vào cơ thể để giảm bớt áp lực cho các cơ quan chức năng liên quan:
- Bệnh suy thận
- Bệnh tuyến giáp
- Các bệnh về gan
- Bệnh tim mạch
Khi bạn uống thuốc có khả năng giữ nước
Cách làm tốt nhất là bạn nên tư vấn bác sĩ để biết được lượng nước vừa đủ để tránh làm nghiêm trọng thêm tình trạng bệnh hiện tại.
Hy vọng bài viết này đã đem lại cho bạn một số kiến thức bổ ích về việc uống nước đối với người bệnh tiểu đường và các thông tin liên quan. Chúc bạn ngày càng khỏe mạnh và hạnh phúc!
Ngày đăng 22-04-2020