Siêu Tính - Sieutinh.com

Lượng đường trong máu và khi nào bạn bị tiểu đường?

Tiểu đường là một bệnh mãn tính nguy hiểm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn. Nguyên nhân sâu xa của tiểu đường bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, và đều dẫn đến một kết quả: lượng đường trong máu tăng cao. 

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về:

  • Vai trò của lượng đường trong máu (glucose trong máu) 

  • Nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao

  • Các phương pháp tự nhiên của cơ thể để giảm lượng đường trong máu

  • Mối liên hệ giữa bệnh nhân tiểu đường và lối sống hằng ngày.

Hãy cùng tìm hiểu với Siêu Tính nhé!

Vai trò của lượng đường trong máu

Lượng đường trong máu (hay glucose trong máu) là một khái niệm để nói về nồng độ glucose đang hiện diện bên trong mạch máu của chúng ta. 

Vai trò của glucose là để cung cấp năng lượng cho tất cả hoạt động của tất cả cơ quan trong cơ thể. Mặc dù có vai trò tốt như thế, nồng độ glucose quá cao cũng là điều nguy hiểm. Lượng đường trong máu tăng cao sẽ hình thành lớp màng bên trong mạch máu, đường dẫn hồng cầu giàu oxy đến các cơ quan bị nhỏ lại. Hệ quả lâu dài sẽ khiến chức năng của cơ quan bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó, mạch máu dẫn đến cơ quan bị thu nhỏ lại gây đau nhói vì áp suất máu tăng cao. 

Cơ thể cần đường để hoạt động

Cơ thể cần đường để hoạt động

Khi bạn xét nghiệm máu và thấy chỉ số đường huyết cao quá mức bình thường, bạn sẽ được chẩn đoán là đang ở giai đoạn tiền tiểu đường, đây là giai đoạn cảnh báo cho bệnh tiểu đường mãn tính. Theo đó, nếu không có sự theo dõi hoặc điều chỉnh lối sống kịp thời, tiền tiểu đường sẽ biến chuyển thành tiểu đường và khi nồng độ glucose của bạn luôn ở mức cao các biến chứng liên quan đến mạch máu sẽ xảy ra. 

Lượng đường trong máu bao nhiêu là bình thường?

Lượng đường trong máu được đo lường bằng 2 loại đơn vị tùy theo loại máy đo: mg/dL hoặc mmol/L. 

Mỗi thiết bị sử dụng chỉ số đo khác nhau

Mỗi thiết bị sử dụng chỉ số đo khác nhau

Đối với người bình thường, lượng đường trong máu sẽ dưới 130 mg/dL = 7.2 mmol/L (8 tiếng sau ăn) và dưới 180 mg/dL = 10.0 mmol/L (2 tiếng sau ăn). Thực tế, bạn không cần phải chờ đến khi mức đường huyết vượt quá 180 mg/dL vì đó đã là quá muộn. Dấu hiệu của tiền tiểu đường sẽ xảy ra ở mức đường huyết thấp hơn 160 - 170 mg/dL (sau khi ăn 2 tiếng) vì cơ thể của bạn có thể đang bị thiếu hụt insulin khiến lượng đường trong máu tăng cao. 

Nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao

Đường hay glucose không được tạo tự nhiên ra trong cơ thể con người. Chúng ta có được năng lượng thông qua việc tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Trong hỗn hợp các loại thức ăn đang được tiêu hóa, sẽ có một loại gọi là tinh bột (hay carbohydrate). Tinh bột sau đó được enzym của dạ dày phân hủy thành dạng đơn giản hơn gọi là glucose (đường đơn) và được ruột non hấp thụ để đưa vào máu.

Vậy chúng ta có thể suy ra rằng: khi ăn tinh bột, hay bất cứ thực phẩm nào làm từ tinh bột, bạn sẽ nhận được glucose. Tỷ lệ chuyển hóa từ tinh bột sang glucose là 100%, bạn ăn bao nhiêu gram carb thì bấy nhiêu glucose sẽ được chuyển hóa và đưa vào trong máu. Glucose rất cần thiết cho cơ thể, vì thế chúng ta luôn muốn tận dụng 100% nguồn năng lượng này từ tinh bột. Tuy nhiên, với thời đại phát triển ngày nay, chúng ta lại muốn điều ngược lại. Môi trường hiện đại khiến thức ăn tạo ra dồi dào hơn, con người cũng không cần phải vận động để săn, bắt, hái, lượm. Hai yếu tố kết hợp này tạo thành điều kiện lý tưởng để cho bệnh tiểu đường. 

"Nhưng liệu có phải ăn nhiều tinh bột là sẽ bị tiểu đường? Vậy tại sao những đứa trẻ thường ăn bánh kẹo lại không bị?" 

Trả lời: Ăn nhiều tinh bột đúng là sẽ bị tiểu đường, nhưng trẻ em ăn nhiều bánh kẹo chưa bị tiểu đường vì cơ thể còn khỏe mạnh. Khỏe mạnh đang nói đến ở đây là về chức năng sản xuất insulin và sử dụng insulin hiệu quả để chuyển hóa lượng đường trong máu. Nhờ đó, thay vì bị đau nhức do lượng đường trong máu cao, insulin sẽ đóng vai trò là chìa khóa giúp dự trữ glucose dưới dạng tế bào mỡ. Đó là lý do vì sao bạn thấy những bé thường ăn nhiều cơm, bánh kẹo có vóc dáng mập mạp. 

Trẻ em sản xuất đủ insulin để tích trữ glucose thành mỡ

Trẻ em sản xuất đủ insulin để tích trữ glucose thành mỡ

Nhưng cân nặng tăng lên vì có nhiều tế bào mỡ lại không tốt như bạn nghĩ. Nó ảnh hưởng xấu đến con em bạn về các mặt như:

  • Thói quen ăn uống: Trẻ em thừa cân thường có xu hướng dễ bị đói hơn và ăn nhiều hơn. Các món ăn thường chứa nhiều năng lượng, tinh bột vì nó ngon miệng đối với trẻ.

  • Tinh thần: Vóc dáng khác biệt có thể khiến trẻ bị tự ti, buồn bã và thường tìm đến thức ăn để trở nên vui vẻ (nếu bạn chưa biết, đường có thể làm cơ thể sản xuất ra dopamine - một loại hormone hạnh phúc, và nó có thể gây nghiện). 

  • Sức khỏe: thừa cân sẽ đem lại nhiều ảnh hưởng xấu trong tương lai của trẻ về mặt xương khớp, vóc dáng hoặc xa hơn nữa là mắc tiểu đường loại 2 sớm.


Đối với trẻ em, chúng ta sẽ cần phải thiết lập thói quen ăn uống bằng cách xây dựng thực đơn mỗi ngày, tính calo cần thiết và các món ăn lành mạnh tương ứng lượng calo đó để tránh hiện tượng ăn uống mất kiểm soát.

Các phương pháp tự nhiên của cơ thể để giảm lượng đường trong máu

Một cơ thể khỏe mạnh có 2 cơ chế để làm giảm lượng đường trong máu:

  1. Insulin: Các tế bào beta trong tuyến tụy tiết ra insulin khi cảm nhận được lượng đường trong máu tăng cao. Insulin sẽ là chìa khóa kích hoạt tế bào tiếp nhận glucose để dự trữ năng lượng.

  2. Vận động: cơ bắp và cơ quan của bạn cần năng lượng để hoạt động. Khi đó, chúng sẽ kích thích sự nhạy cảm về insulin để insulin hoạt động hiệu quả. Khi vận động cường độ cao và trong thời gian dài, cơ xương (skeletal muscle) sẽ lấy chuyển hóa glucose trong máu theo phương pháp khác mà không cần dựa vào insulin. 

Kết hợp 2 cơ chế này sẽ giúp cơ thể của bạn điều tiết lượng đường trong máu mà không lo ngại làm quá tải bộ máy sản xuất insulin.

Bệnh nhân bị tiểu đường là những bệnh nhân bị rối loạn về cơ chế sản xuất insulin và tiếp nhận insulin, có thể chia làm hai loại:

  1. Tiểu đường loại 1: bệnh nhân không có tế bào beta trong tuyến tụy để sản xuất insulin. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh, mắc virus hoặc bệnh tự miễn dịch khiến tế bào beta bị tiêu diệt.

  2. Tiểu đường loại 2: bệnh nhân sinh ra khỏe mạnh bình thường, do tác nhân bên ngoài như: lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh và không vận động, khiến insulin liên tục sản xuất ra để điều tiết glucose trong máu. Trong thời gian dài, tuyến tụy bị suy yếu không thể sản xuất đủ lượng insulin hoặc đủ nhưng cơ thể vì một lý do nào đó không tiếp nhận (gọi là kháng insulin).

Trường hợp tiểu đường loại 1 là bệnh không thể sản xuất insulin, bắt buộc phải tiêm insulin vào cơ thể để mang năng lượng vào tế bào. Về lâu dài, tiểu đường loại 1 cũng có triệu chứng kháng insulin nếu bạn không có chế độ ăn uống hợp lý.

Tiểu đường loại 2 là bệnh có thể phòng tránh được nếu kết hợp cơ chế vận động để đốt cháy năng lượng. Cơ bắp hoạt động điều độ sẽ sử dụng năng lượng và tích trữ năng lượng hiệu quả hơn, giúp ổn định lượng đường trong máu. 



 

Ngày đăng 16-01-2021

Chủ đề: