Siêu Tính - Sieutinh.com

Khác biệt giữa bệnh tiểu đường loại 1 và tiểu đường loại 2

Nếu bạn đã được chuẩn đoán bị bệnh tiểu đường, hoặc có dấu hiệu đường trong máu cao, đây là bài viết dành cho bạn. 

Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là bệnh mãn tính khá phức tạp, bệnh nhân cần có sự hiểu biết sâu về nó để chung sống với căn bệnh này. Vì ngoài việc uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân tiểu đường cũng phải chủ động thay đổi lối sống, chế độ ăn uống để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau. 

Đường huyết cao có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm

Đường huyết cao có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm

Tiểu đường loại 1 và loại 2 khác nhau thế nào?

Bệnh tiểu đường bao gồm hai loại chính: tiểu đường loại 1 (tuýp 1)tiểu đường loại 2 (tuýp 2).

Tiểu đường là một loại bệnh mãn tính, xảy ra khi cơ thể bị rối loạn trong quá trình sản xuất hoặc sử dụng hormone insulin để chuyển hóa đường (glucose) trong máu thành năng lượng. 

Glucose là dạng đường đơn giản được phân giải sau khi tiêu hóa các thực phẩm chứa carbohydrate. 

Sau khi glucose được phân giải, cơ thể sẽ bắt đầu gửi tín hiệu về tuyến tụy để tiết ra hormone insulin; hormone này đóng vai trò như một cầu nối để giúp glucose đi vào bên trong và cung cấp năng lượng cho tế bào

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường loại 1, tuyến tụy của họ sẽ không thể sản xuất insulin khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nguyên nhân có thể đến từ gen di truyền hay các tác nhân môi trường bên ngoài.

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường loại 2, bộ máy sản xuất insulin vẫn hoạt động, nhưng cơ thể nảy sinh hiện tượng không nhận insulin (kháng insulin). Khi đó, sẽ có tỷ lệ lượng insulin không được tế bào tiếp nhận để tiến hành quá trình chuyển hóa đường. Hệ quả là tuyến tụy sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp đủ cho lượng insulin không hoạt động. 

Cả hai loại bệnh đái tháo đường đều dẫn đến hiện tượng đường trong máu cao khi không có hoặc không đủ insulin để chuyển hóa glucose

Glucose không được chuyển hóa về lâu dài sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương dây thần kinh, mạch máu

  • Bệnh tim mạch, đột quỵ

  • Suy thận

  • Cắt cụt chi

  • Mù lòa

Vì thế, bệnh nhân tiểu đường nên thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể để điều trị bằng phương pháp tiêm insulin (dùng cho tiểu đường loại 1) hoặc thuốc uống (dùng cho tiểu đường loại 2)

Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong ở người lớn bị tiểu đường có thể lên đến 50% so với người bình thường.

Năm 2016, có đến 1.6 triệu người chết vì bệnh tiểu đường. (Nguồn: WHO)

Nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường. 

Bệnh tiểu đường loại 1:

Nguyên nhân sẽ đến từ hệ miễn dịch của cơ thể. Hệ miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường loại 1 sẽ tiêu diệt nhầm các tế bào beta trong tuyến tụy. Tế bào beta là những cỗ máy sản xuất insulin, khi bị tiêu diệt sẽ gây ra các tổn thương vĩnh viễn, khiến cơ thể mất khả năng chuyển hóa glucose. Hiện tượng này thường xảy ra đột ngột, có thể bắt nguồn từ gen di truyền hoặc yếu tố môi trường bên ngoài (như virus). 

Bệnh tiểu đường loại 2:

Khác với bệnh nhân tiểu đường loại 1, bệnh nhân tiểu đường loại hai vẫn có khả năng sản xuất insulin. Tuy nhiên, lượng insulin đấy không được dùng hiệu quả do cơ thể đã sinh ra kháng thể, ngăn chặn tế bào sử dụng loại hormone này.

Nguyên nhân của hiện tượng kháng insulin xảy ra phần lớn do lối sống không lành mạnh, thiếu vận động và chế độ ăn uống bất hợp lý gây thừa cân. Ngoài ra, các yếu tố di truyền và yếu tố bên ngoài môi trường cũng có thể góp phần gây ra tiểu đường loại 2.

Chế độ ăn nhiều carb sẽ gây áp lực lên tuyến tụy

Chế độ ăn nhiều carb sẽ gây áp lực lên tuyến tụy

Khi cơ thể không có đủ lượng insulin để chuyển hóa glucose, tuyến tụy sẽ phải hoạt động nhiều hơn để sản xuất bù đắp lượng insulin còn thiếu. 

Cả hai loại bệnh đều dẫn đến hiện tượng glucose trong máu cao. 

Các triệu chứng của đái tháo đường

Trước khi các biến chứng nguy hiểm (kể trên) xảy ra, cơ thể cũng sẽ có các phản ứng khi lượng đường trong máu tăng cao.

  • Đi tiểu thường xuyên

  • Khát nước, uống nhiều nước 

  • Dễ bị đói 

  • Cơ thể mệt mỏi

  • Mắt mờ

  • Vết thương khó lành

  • Tê, châm chích đầu ngón tay, chân


Bệnh tim có thể là hệ quả lâu dài của đái tháo đường

Bệnh tim có thể là hệ quả lâu dài của đái tháo đường

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng có thể bị sụt cân, cơ thể khó chịu, thay đổi tâm trạng bất thường. Điều này xảy ra khi cơ thể không được tiếp đủ năng lượng (glucose) để hoạt động.

Bệnh nhân bị tiểu đường loại 1 sẽ thường khởi phát triệu chứng sau vài tuần. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 sẽ khó phát hiện hơn hoặc không có triệu chứng cho đến khi biến chứng nặng xảy ra. 

Các triệu chứng trên là là lời cảnh báo để bạn nhanh chóng thăm khám bác sĩ và thực hiện xét nghiệm. 

Nguy cơ nào khiến bạn dễ bị đái tháo đường?

Tiểu đường loại 1: 

  • Tiền sử gia đình: nếu bạn có người thân ruột thịt bị mắc bệnh này
  • Độ tuổi: Tiểu đường loại 1 có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng dễ thấy nhất ở trẻ em và thanh niếu niên.
  • Di truyền: Một số gen di truyền khiến cơ thể gặp tình trạng tự miễn dịch và tấn công tế bào tuyến tụy, nơi sản xuất insulin.

Tiểu đường loại 2:

Bạn được chuẩn đoán bị tiền tiểu đường, khi cơ thể có lượng đường cao hơn mức bình thường, nhưng chưa đủ để trở thành tiểu đường mãn tính.

  • Bạn bị thừa cân hoặc béo phì
  • Có nhiều mỡ bụng
  • Ít vận động
  • Trên 45 tuổi
  • Từng bị tiểu đường khi mang thai
  • Có người thân trong gia đình bị tiểu đường loại 2.

Tóm lại: 

Tiểu đường loại 1 được xem như là bẩm sinh, hoặc do yếu tố bên ngoài như virus, vi khuẩn, thay đổi cấu trúc gen làm xảy ra hiện tượng tự miễn khiến hệ thống miễn dịch tấn công tế bào tuyến tụy. Bệnh nhân tiểu đường loại một sẽ phải tiêm insulin mỗi ngày để điều hòa đường huyết và tránh những biến chứng do đường huyết cao gây ra.

Tiểu đường loại 2, khác với loại 1, có thể phòng tránh được bằng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thể dục thường xuyên để tăng khả năng nhạy cảm với insulin. Chế độ ít carb cũng góp phần quan trọng để giúp bảo vệ tuyến tụy khỏi việc hoạt động quá mức, giúp giảm nguy cơ suy yếu sản xuất insulin khi về già.












Ngày đăng 08-11-2020

Chủ đề: